Diễn đàn Tư tưởng Hồ Chí Minh với văn hóa kinh doanh
Thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, hướng tới kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/05/1890 – 19/05/2024), ngày 14/5, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Trung tâm Văn hóa Doanh nhân đã tổ chức Diễn đàn “Tư tưởng Hồ Chí Minh với văn hóa kinh doanh”.
Trong chương trình các lãnh đạo chính phủ đã gửi thông điệp mạnh mẽ tới các doanh nhân Việt Nam với tinh thần phụng sự, cần kiệm liêm chính học theo tấm gương của chủ tịch Hồ Chí Minh nhanh đưa Việt Nam hội nhập thế giới hơn nữa. Với tinh thần làm, học, lập chiến lược lại làm để doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh trên trường quốc tế
Tham dự diễn đàn, về phía Ban Tuyên giáo Trung ương có ông Phan Xuân Thủy - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Về phía VCCI có ông Phạm Tấn Công - Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch VCCI; ông Hoàng Quang Phòng - Phó Bí thư Đảng Đoàn, Phó Chủ tịch VCCI.
Về phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có ông Lê Anh Chiến - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Tập đoàn.
Cùng tham dự diễn đàn có các đại diện doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu, đại diện VCCI.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu khai mạc
Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công chia sẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, giới công thương là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và Công thương cứu quốc đoàn - tổ chức của giới doanh nhân là một thành viên của hệ thống chính trị của đất nước - thành viên của mặt trận Việt Minh. Muốn trở thành người kinh doanh giỏi phải không ngừng học tập, khổ công rèn luyện, trau dồi bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp và đạo đức người kinh doanh. Do đó, doanh nhân cần phải có đủ các đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, có tri thức chuyên môn vững vàng, chấp hành pháp luật, đặc biệt quan tâm tới công tác chống tham ô, lãng phí, quan liêu cửa quyền…
Ông Phạm Tấn Công cho biết, diễn đàn “Tư tưởng Hồ Chí Minh với văn hóa kinh doanh” được tổ chức nhằm đẩy mạnh Cuộc vận động học tập và làm theo đạo đức, phong cách, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới và góp phần thúc đẩy văn hóa kinh doanh vì sự phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Ông Phan Xuân Thủy - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại diễn đàn
Theo ông Phan Xuân Thủy - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, khi học tập và làm theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi doanh nghiệp, doanh nhân sẽ có tinh thần thượng tôn pháp luật, chia sẻ với xã hội, tạo ra giá trị đích thực cho xã hội. Đây là nền tảng vững chắc để các doanh nghiệp Việt Nam phát triển và hội nhập quốc tế; đội ngũ doanh nhân Việt Nam sẽ hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vẻ vang là lực lượng nòng cốt lãnh đạo đội quân chủ lực là các doanh nghiệp trong thực hiện mục tiêu và khát vọng phát triển của dân tộc, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phồn vinh, hoàn thành nguyện ước của Bác Hồ về sánh vai với các cường quốc năm châu.
Cô giáo tâm lý. Nguyễn Thị Hương Lan - Tổng giám đốc Công ty CP Học viện Hạnh phúc Việt Nam tham dự chương trình đúc kết được những kiến thức quý báu trong tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều hành doanh nghiệp xã hội để giáo dục thế hệ trẻ Việt Nam có bản lĩnh, trí tuệ, nhân cách, khả năng dự cảm, sự chính trực, tình yêu thương
Các đại biểu trao đổi, thảo luận tại diễn đàn
Diễn đàn đã nhận được sự quan tâm của gần 200 đại biểu tới tham dự là các doanh nhân thuộc các tổng công ty, tập đoàn, ngân hàng thương mại cổ phần... Các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về việc vận dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh vào xây dựng, thực hành đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt.
Tại diễn đàn, ông Lê Anh Chiến - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đã có phần tham luận với chủ đề “Từ mong ước của Bác Hồ, người Dầu khí đã bồi đắp và thực hiện hóa khát vọng: Xây dựng ngành công nghiệp Dầu khí mạnh”.
Trong bài tham luận, ông Lê Anh Chiến đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh và tầm quan trọng của việc xây dựng, duy trì văn hóa doanh nghiệp trong Petrovietnam đã giúp Tập đoàn vững vàng vượt qua “khủng hoảng kép” năm 2020, phục hồi tăng trưởng năm 2021 và làm nên những kỷ lục trong các hoạt động SXKD năm 2022. Năm 2023, tổng doanh thu toàn Petrovietnam lập kỷ lục mới, đạt 942,8 nghìn tỷ đồng (tương đương 9,2% GDP cả nước), tăng 11,6 nghìn tỷ đồng so với kỷ lục đã xác lập vào năm 2022; tổng nộp ngân sách nhà nước toàn Tập đoàn chiếm tỷ trọng 9,4% tổng thu ngân sách nhà nước; năm thứ 15 liên tiếp Petrovietnam góp mặt trong Top 3 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam; dành 750 tỷ đồng thực hiện an sinh xã hội trên mọi miền Tổ quốc.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam khẳng định, công tác tái tạo văn hóa Petrovietnam, công tác truyền thông, hoạt động xã hội trong toàn Tập đoàn luôn được thực hiện song hành gắn với các mục tiêu kế hoạch SXKD và Chiến lược phát triển của Tập đoàn, trở thành bệ đỡ vững chắc cho sự phát triển của Petrovietnam, khẳng định giá trị cốt lõi “Khát vọng - Trí tuệ - Chuyên nghiệp - Nghĩa tình”. Từ những thành công đã đạt được, Petrovietnam cam kết tiếp tục phát huy tiềm năng để đóng góp cho sự phát triển của đất nước, đáp ứng kỳ vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ người lao động dầu khí về ngành công nghiệp Dầu khí vững mạnh, hiện đại.